Ngày đăng: 22/03/2012 | Lượt xem: 6163
CMO (Chief Marketing Officer - giám đốc marketing) là một chức vụ quản lý cao cấp, chịu trách nhiệm về marketing trong một công ty. Thông thường, vị trí này sẽ báo cáo trực tiếp kết quả công việc cho tổng giám đốc (CEO). Vai trò và trách nhiệm của CMO liên quan đến việc phát triển sản phẩm, truyền thông tiếp thị, nghiên cứu thị trường, chăm sóc khách hàng, phát triển kênh phân phối, quan hệ công chúng, quản trị bán hàng
Do đặc thù của chức vụ, CMO phải đối mặt với nhiều lĩnh vực chuyên môn phức tạp, đòi hỏi phải có năng lực toàn diện về cả chuyên môn lẫn quản lý. Thách thức này bao gồm việc xử lý những công việc hàng ngày, phân tích các nghiên cứu thị trường kỹ năng, tổ chức và đôn đốc nhân viên thực hiện hiệu quả công tác marketing tại công ty. CMO đóng vai trò cầu nối giữa bộ phận marketing với các bộ phận chức năng khác như sản xuất, công nghệ thông tin, tài chính… nhằm hoàn thành mục tiêu chung của công ty. Hơn thế nữa, CMO còn là một nhà tư vấn cho CEO trong việc định hướng và xây dựng chiến lược công ty. Trong cuộc khủng hoảng tài chính hiện tại, CMO cần phải làm gì để thích nghi với những thách thức mới?
Năm 2008, Economist Intelligence Unit thực hiện một cuộc khảo sát với 263 CMO trên toàn thế giới. Qua đó gợi ra năm biện pháp giúp CMO nâng cao hiệu quả marketing trong thời đại mới.
1. Cân bằng sự nhận biết thương hiệu toàn cầu với sự phù hợp của thị trường địa phương. Tập trung vào các chức năng tiếp thị toàn cầu như phát triển quảng cáo và sản xuất có thể tạo ra sự tiết kiệm nhờ quy mô và giảm chi phí, nhưng điều này cần dựa trên nhu cầu của từng thị trường và sự thấu hiểu khách hàng. Đồng thời, ngân sách phải được tự chủ để các giám đốc vùng có thể đưa ra những quyết định dựa vào nhu cầu của thị trường.
2. Tích hợp công tác tiếp thị với các dạng truyền thông công ty. Các thông điệp công ty giữa các đối tượng như khách hàng, nhà đầu tư, giới truyền thông, cơ quan quản lý, nhân viên… cần có sự thống nhất và được tích hợp bởi các dạng truyền thông marketing khác nhau. Công ty không thể phân khúc các đối tượng cũng như các thông điệp này mà thiếu sự tương tác lẫn nhau giữa các đối tượng.
3. Sử dụng những phương tiện truyền thông mới. Cần phải có ngân sách riêng để thử nghiệm công tác marketing với những công nghệ web 2.0 mới nhất. Để duy trì cạnh tranh, công ty cần gắn kết khách hàng và khai thác bản chất tương tác của các phương tiện truyền thông số nhằm tạo sự lôi cuốn của thương hiệu đối với người tiêu dùng và cổ đông. CMO cần có tầm nhìn để xử lý việc phát triển của những phương tiện truyền thông mới và khách hàng.
4. Phát triển các kỹ năng mới, năng lực mới và đối tác mới. CMO không những thực hiện việc định vị công ty mà còn phải giúp định nghĩa công ty. Để làm được việc này, CMO cần có hiểu biết toàn diện về mô hình kinh doanh cơ bản, thương hiệu, văn hóa, chính sách và giá trị của công ty. Để thích nghi với sự tiến hóa của các phương tiện truyền thông mới, CMO cần phải tạo quan hệ đối tác với những nhà cung cấp thông thạo để tận dụng những sáng kiến mới của họ, giúp công tác marketing được nhanh chóng và hiệu quả hơn.
5. Luôn đổi mới. Sự đòi hỏi trách nhiệm cao hơn đối với các khoản chi phí marketing đang thúc đẩy các công ty toàn cầu hướng đến các chiến dịch marketing số (Digital Marketing) hơn là các phương tiện truyền thông truyền thống. Bản chất tương tác của những phương tiện truyền thông số hiện đại đã tạo cơ hội cho CMO thấu hiểu khách hàng sâu sắc hơn, từ đó tạo ra các cải tiến phù hợp để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Gần đây, Giáo sư Gail McGovern và John A. Quelch, thuộc trường Kinh doanh Harvard, đã đưa ra tám phương pháp để gia tăng sự thành công cho CMO. Đó là:
1. Làm rõ sứ mạng và trách nhiệm của CMO. Luôn chắc chắn rằng vai trò của CMO là cần thiết và được lãnh đạo công ty hiểu rõ, đặc biệt là CEO, hội đồng quản trị và các cấp quản lý hàng dọc. Vì nếu không có nhu cầu rõ ràng, thật sự và được nhận biết, vai trò của CMO sẽ bị phản đối trong tổ chức.
2. Điều chỉnh vai trò của CMO phù hợp với văn hóa và cấu trúc marketing. Tránh việc một CMO chịu trách nhiệm quá nhiều thương hiệu riêng lẻ trong công ty, dù người được bổ nhiệm có các mối quan hệ tốt.
3. Lựa chọn CMO tương hợp với CEO. CEO muốn có CMO nhưng thường không muốn nhường quyền kiểm soát bộ phận marketing cho họ. Hãy tìm một CEO luôn nhận thấy trách nhiệm của mình là một đội trưởng của bộ phận marketing và thương hiệu, đồng thời cũng nhận thấy sự cần thiết một chuyên gia trong việc định hướng và hướng dẫn công tác marketing trong công ty.
4. Người phô trương sẽ không thành công. Một CMO cần làm việc chăm chỉ để đảm bảo cho CEO thành công trong vai trò đội trưởng của thương hiệu.
5. Lựa chọn CMO có tính cách phù hợp. Đảm bảo rằng CMO có đúng các kỹ năng và tính cách cho vai trò, sứ mạng và trách nhiệm cần phải hoàn thành.
6. Làm cho các giám đốc hàng dọc trở thành những anh hùng marketing. Bằng cách kéo giãn ngân sách marketing, CMO có thể cải thiện năng suất marketing của bộ phận và giúp cho các lãnh đạo đơn vị kinh doanh gia tăng doanh thu.
7. Thâm nhập tổ chức hàng dọc. Cho phép CMO hỗ trợ việc sắp xếp nhân sự marketing. Cho phép CMO tham gia đánh giá công việc của các nhà tiếp thị hàng dọc hàng năm.
8. Yêu cầu các kỹ năng sử dụng cả não trái lẫn não phải. CMO muốn thành công cần thông thạo cả marketing chuyên môn và sáng tạo, có hiểu biết sắc bén về chính trị, có các kỹ năng để trở thành một nhà lãnh đạo và quản lý kiệt xuất.
Với những biện pháp và những lời khuyên trên đây từ các chuyên gia hàng đầu thế giới, hy vọng các CMO tại Việt Nam sẽ tìm ra hướng đi tốt nhất cho tổ chức và hoàn thành tốt vai trò của mình, góp phần đưa tổ chức vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế hiện tại
Tags: